Bắc Kỳ

Bắc Kỳ

Pháp Thí Hội không phải là shop bán các văn hóa phẩm Phật Giáo. Hội chỉ là nơi nhận Tịnh Tài của các Phật Tử gửi về, mua kinh sách (theo form đăng ký trên web của các Phật Tử ) và thay các Phật Tử đó đi cúng dường các chùa ở vùng xa , những nơi thiếu kinh sách cho các Phật tử nơi đó tu học. Nếu quý Phật Tử muốn thỉnh kinh sách xin vui lòng không đăng ký tại đây. Bỏ qua

Pháp Thí Hội không phải là shop bán các văn hóa phẩm Phật Giáo. Hội chỉ là nơi nhận Tịnh Tài của các Phật Tử gửi về, mua kinh sách (theo form đăng ký trên web của các Phật Tử ) và thay các Phật Tử đó đi cúng dường các chùa ở vùng xa , những nơi thiếu kinh sách cho các Phật tử nơi đó tu học. Nếu quý Phật Tử muốn thỉnh kinh sách xin vui lòng không đăng ký tại đây. Bỏ qua

NGUYỄN TRỌNG THUẬT VÀ CHỦ TRƯƠNG “NHÂN GIAN PHẬT GIÁO”

Tập Kỷ Yếu số 1 của hội Bắc Kỳ Phật giáo được xuất bản vào tháng Năm 1935. Sau khi ra số 2 và 3, Tập Kỷ Yếu đình bản, nhường chỗ cho tạp chí Đuốc Tuệ. Tạp chí này ra đời vào đầu tháng Chạp năm 1935, do ông Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm. Đứng tên chủ bút là thiền sư Trung Thứ trú trì chùa Bằng Sở. Phó chủ bút là thiền sư Doãn Hài (Dương Văn Hiển), trú trì chùa Tế Cát. Quản lý là ông Cung Đình Bính. Báo quán đặt tại chùa Quán Sứ, đường Richard Hà Nội.

Hai cây bút bền bỉ nhất của tạp chí Đuốc Tuệ là Đồ Nam Tử và Thiều Chửu. Những cây bút khác là Thái Hòa, Thanh Đặc, Tố Liên, Đỗ Trần Bảo, Phạm Văn Côn, Đinh Gia Thuyết, Đỗ Đình Nghiêm, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, v.v…

Trong những số đầu, Đuốc Tuệ đăng nhiều bài có tính cách bênh vực cho phong trào chấn hưng Phật giáo, chủ trương rằng đạo Phật là một đạo vì cuộc đời mà có, chứ không phải trốn cuộc đời. Ngay số đầu, Đuốc Tuệ đăng bài Đạo Phật Có Quan Thiết Với Sự Sống Của Đời Người của Phan Đình Hòe, trưởng ban đại lý chi hội Nam Định. Đuốc Tuệ số 2 (ngày 17.12.1935) nêu rõ xã hội tính cần thiết của tôn giáo, tính cách Á Đông và dân tộc của Phật giáo và tinh thần tự do, bình đẳng và hiếu hòa của đạo Phật. Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, để cụ thể hóa tinh thần “đạo Phật trong cuộc đời”, đề nghị con nhà Phật tử từ nay trở đi nên làm lễ kết hôn trước cửa Phật, một truyền thống từ trước đến nay chưa có ở Việt Nam. Ông đề nghị một nghi thức kết hôn gồm có tấu văn và huấn từ của một vị tăng sĩ làm giới sư hướng đạo cuộc lễ. Theo ông, trước Phật đài, giới sư nhắc nhở cặp tân hôn phải nhớ đạo lý tứ ân của Phật dạy mà đền đáp ơn cha mẹ, ơn đất nước, ơn sư trưởng và ơn chúng sinh. Kinh Thiện Sinh là cơ bản cho sự xây dựng gia đình, và lễ kết hôn trước cửa Phật được tiêu biểu bằng hai câu đối:

“Hiếu mẹ cha, ân đất nước, đạo Tứ Ân đã dạy bảo đủ luân thường;

Chồng kính ái, vợ thuận tùng, lễ Lục Phương càng ân cần về gia đạo.”

Chủ ý “đem đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày” này được thể hiện trong những loạt bài viết dưới tiêu đề Nhân Gian Phật Giáo trong đó tác giả đề cập đến nhiều khía cạnh của đời sống nông thôn, cải tạo và hướng dẫn bằng tinh thần đạo Phật.

Ông Nguyễn Trọng Thuật đã viết một truyện dài rất có ý vị đăng nhiều kỳ trên Đuốc Tuệ. Đó là truyện Cô Con Gái Phật Hái Dâu, kể lại cuộc đời Ỷ Lan Phu Nhân, một cô gái thôn quê làm nghề hái dâu ở làng Thổ Lỗi (sau này là làng Siêu Loại) được vua Lý Thánh Tông đem về cung và trở nên mẹ của vua Lý Nhân Tông, đã đem tinh thần đạo Phật mà dựng nước và cải tổ những bất công ở xã hội nông thôn. Đây là một truyện dài viết rất có nghệ thuật, hơn hẳn tác phẩm Quả Dưa Đỏ của cùng tác giả[1].

Đuốc Tuệ cũng đăng thiên biên khảo Việt Nam Thiền Tông Thế Hệ của ông trong nhiều kỳ. Đây là một tác phẩm nói về hành trạng, thi văn và tư tưởng của các thiền sư Việt Nam các phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Ông Nguyễn Trọng Thuật đã căn cứ trên sách Thiền Uyển Tập Anh để viết thiên biên khảo này. Ngoài tạp chí Đuốc Tuệ, Nguyễn Trọng Thuật còn viết về đề tài Phật giáo trong tạp chí Nam Phong. Bài Phật Giáo Tân Luận của ông được đăng trong các số 208-209, 217-221 và 267-278 (năm 1934 và 1935) và bài Bình Luận về Sách “Khóa Hư” của ông được đăng trong số 189 (năm 1933). Trong Nam Phong, ông có viết nhiều đề tài quan trọng như Điều Đình Cái Ấn Quốc Học (số 167, năm 1931), Vấn Đề Cải Tạo Xã Hội (số 195, năm 1934), v.v…

Bên cạnh Nguyễn Trọng Thuật, ta thấy có một cây bút rất vững chãi và sâu sắc, đó là Thiều Chửu. Thiều Chửu tên đời là Nguyễn Hữu Kha, tên tự là Lạc Khổ. Ông sống một cuộc đời rất giản dị, ăn chay trường và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Y phục của ông đơn giản như y phục của một người dân quê. Thì giờ của ông, ông để dịch kinh, viết sách, tu học và chăm nom các trẻ em mồ côi. Căn bản Hán văn của ông rất vững chãi. Ông là tác giả bộ Hán Việt Tự Điển được sử dụng rộng rãi trong nước. Bộ tự điển này, theo ông, đã được soạn để làm một phương tiện cho người học Phật. Đuốc Tuệ đăng bản dịch Khóa Hư Lục của ông trong nhiều kỳ. Văn Khóa Hư là văn biền ngẫu rất khó dịch. Nhưng bản dịch của ông là một bản dịch rất đặc sắc, đọc rất êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng. Ông lại chú giải mỗi khi có danh từ khó và thỉnh thoảng lại thêm vào những lời “bàn góp”. Theo ý ông, tác giả Khóa Hư Lục là Trần Nhân Tông chứ không phải Trần Thái Tông. Thực ra Khóa Hư Lục là của vua Thái Tông[2].

Ta hãy đọc một đoạn văn dịch của ông, trích trong bài Phổ Thuyết Sắc Thân:

“Cầu cạnh đầu ruồi tai ếch, cam tâm danh lợi buộc ràng; ban ngày hết sức cầu may, buổi tối hóa ra tưởng mộng. Chất chứa bốn nghiệp như giếng, biết đâu mái tóc tợ sương. Một mai mắc bệnh nặng nề, trăm năm đều về mộng lớn. Tim gan đau xót tợ nỗi oán thù, da thịt hao mòn khác chi ma đói. Còn muốn cầu thọ thân thọ mệnh, nào hay đâu hại vật hại sinh! Những mong một kiếp tợ thông già, chẳng hiểu tứ chi như nhà dột”.

Thiều Chửu còn là tác giả các sách Sự Tích Phật Tổ diễn ca (1935), Khóa Tụng Hàng Ngày (1935), Cải Tà Quy Chính, Bốn Mươi Tám Phép Niệm Phật và dịch giả sách Vì Sao Tôi Tin Phật Giáo của B. Brongthon và các kinh như Kinh Lễ Sáu Phương, Kinh Di Giáo, Kinh Di Đà và Kinh Tứ Thập Nhị Chương.

TRUYỀN THỪA TÀO ĐỘNG THEO BIA CHÙA HỒNG PHÚC

Thiền sư Pháp Minh tên đời là Dương Tâm Viên, hiệu là Thiền Lâm. Năm 1932, ông đã dựng một tấm bia ở chùa Hồng Phúc liệt kê hành trạng các vị tổ sư trú trì ngôi tổ đình này của phái Tào Động. Ông là đệ tử của thiền sư Nhân Từ, tổ đời thứ 47 của tông Tào Động. Sách Kế Đăng Lục của thiền sư Như Sơn[16] chỉ ghi được hai vị tổ Tào Động đầu tiên ở chùa Hồng Phúc: Đó là các thiền sư Thủy Nguyệt và Chân Dung. Bia của thiền sư Pháp Minh ghi đủ pháp danh của những vị kế thế trú trì chùa Hồng Phúc, xin ghi ra đây để bổ túc cho Chương XXIII của Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển nói về Tào Động Ở Đàng Ngoài (trang 171):

Tổ thứ nhất: Thiền sư Thủy Nguyệt, đời thứ 36 Tào Động.

Tổ thứ nhì: Thiền sư Chân Dung, đời thứ 37 Tào Động. Đây là đoạn văn viết về thiền sư Chân Dung trong bia: “Tổ thứ hai là Chân Dung, nối lửa pháp đăng, được một thời thì vào niên hiệu Vĩnh Trị[17] triều Lê bỗng có lệnh vua phế bỏ tăng lữ. Đệ nhị tổ của ta kiên trì tâm nguyện làm Phật, bảo rằng: “Đạo Phật không theo đường thế gian mà có thịnh có suy, mà phép Vua phải cùng phép Phật đùm bọc lấy nhau. Việc này chẳng qua là tâm của vua chưa giác ngộ, chưa có người vén màn mây che lấp mặt trời cho nên giáo lý của Phật mới khó tỏ tường; bây giờ có ai quét sạch sương mù che lấp bầu trời cho được?”. Bèn từ giã pháp tọa sư tử, thân hành đến thành Thăng Long, lấy bút mực thảo biểu văn dâng lên và được mời vào bệ kiến chốn đan trì. Ngài đem pháp học mà xiển dương Phật pháp, dùng bối diệp mà cởi mở tâm vua, dựng lại tông phong, thêm sáng tuệ nhật. Được lệnh ở lại chốn thần kinh, rộng mở đạo tràng mà thuyết pháp. Chốn phạm vũ lại được trùng tu để làm địa vức tham thiền. Giúp nước hộ đạo, được vua sắc phong, làm hưng thịnh những gì đã suy, nối tiếp lại những gì đã đứt”.

Tổ thứ ba: Thiền sư Tịnh Giác; đời thứ 38 Tào Động. Ông được vua Lê[18] ban hiệu là Tăng Thống Tịnh Giác Hòa Thượng. Pháp danh ông là Từ Sơn, tự là Hành Nhất.

Có nhiều lý do khiến cho ta nghĩ rằng Tịnh Giác chính là thiền sư Như Sơn tác giả sách Kế Đăng Lục. Trước hết, sách Kế Đăng Lục chỉ ghi tiểu sử hai vị tổ Tào Động người Việt: Hai người này là Thủy Nguyệt và Chân Dung. Thiền sư Chân Dung tịch năm 1709, ai là người thừa kế, nếu không phải là ông? Lý do thứ hai: Sách Kế Đăng Lục có ghi tên một vị sa di, đệ tử của ông, tên là Tính Chúc, người đã giúp ông về việc thẩm duyệt tác phẩm. Theo bia của thiền sư Pháp Minh thì Tính Chúc lại là tổ thứ tư của chùa Hồng Phúc. Như vậy bổn sư của Tính Chúc là ông. Tại sao không phải là tổ thứ ba? Nhưng pháp danh của tổ thứ ba là Từ Sơn, chứ không phải là Như Sơn. Tại sao? Hoặc giả Như Sơn chỉ là một người đồng sư của Từ Sơn? Tác phẩm Kế Đăng Lục do Như Sơn viết mà được mang danh từ ngự chế[19], bài tựa của Như Sơn viết năm 1734 lại có lời ca tụng vua có lòng hộ đạo và những dòng chữ ở đầu sách “Hồng Phúc Tự Sa Môn Như Sơn trước thuật”; những chi tiết này cho ta thấy Như Sơn tức là Từ Sơn, trú trì chùa Hồng Phúc từ năm 1709 và đã truyền đăng cho đệ tử ông là Tính Chúc, tổ thứ tư.

Tổ thứ tư: Thiền sư Tính Chúc, đời thứ 39 Tào Động. Ông được sắc phong là Bản Lai Hòa Thượng. Pháp tự ông là Thiện Thuận, hiệu là Đạo Chu. Sau lại được tặng phong là Phổ Hóa Độ Sinh Đại Bồ Tát. Ông đã giúp thiền sư Như Sơn thẩm duyệt tác phẩm Kế Đăng Lục.

Tổ thứ năm: Thiền sư Hải Điện, đời thứ 40 Tào Động. Ông được sắc phong là Viên Thông Tăng Thống Lại Nguyên Hòa Thượng. Pháp hiệu của ông là Mật Đa. Đời thứ 40 còn có các vị sau đây:

– Thiền sư Trí Thiếp. Ông pháp danh là Hải Tại, tự là Lợi Sinh. Được sắc phong là “Tăng Chính Tướng Sĩ Tăng Lục Ty Tăng Chính Hạ Tuyển Tự Tại Hòa Thượng.” Ông được thiền sư Hải Điện giao cho trách nhiệm trú trì chùa Hồng Phúc.

– Thiền sư Hải Hoằng, pháp tự là Tịnh Đức, hiệu là Nhu Nhã.

– Thiền sư Khoan Nhân, pháp tự là Phổ Tế, hiệu là Thanh Từ.

Tổ thứ sáu: Thiền sư Đạo Nguyên, đời thứ 41 Tào Động. Ông pháp danh là Khoan Dực, pháp tự là Phổ Chiếu, được sắc phong là Tăng Thống Đạo Nguyên Hòa Thượng. Pháp hiệu của ông là Thanh Lãng. Ông là thầy của thiền sư Thanh Đàm[20]. Đời thứ 41 còn có các vị sau đây:

– Thiền sư Khoan Giáo, pháp tự là Nhu Hòa, pháp hiệu là Thiện Căn.

– Thiền sư Khoan Thông, pháp tự là Chính Trí, pháp hiệu là Thanh Quang.

– Thiền sư Giác Bản, pháp tự là Minh Nam, pháp hiệu là Thanh Nguyên. Ông là bạn với thiền sư Thanh Đàm và có làm bài kệ tán dương sách Pháp Hoa Đề Cương[21] của bạn.

Tổ thứ bảy: Thiền sư Thanh Đàm, đời thứ 42 Tào Động. Ông pháp danh là Giác Đạo, pháp tự là Minh Chính, pháp hiệu là Hoằng Quang. Ông được triều đình ban giới đao và độ điệp[22]. Ông là tác giả sách Pháp Hoa Đề Cương và Bát Nhã Trực Giải[23].

Tổ thứ tám: Thiền sư Giác Lâm, đời thứ 43 Tào Động. Ông pháp tự là Minh Liễu, pháp hiệu Lục Hòa.

Tổ thứ chín: Thiền sư Đạo Sinh, đời thứ 44 Tào Động. Ông pháp tự là Minh Đạt, pháp hiệu là Thanh Như.

Tổ thứ mười: Thiền sư Quang Lư, đời thứ 45 Tào Động. Ông pháp tự là Đường Đường, pháp hiệu là Như Như, cũng gọi là Hồng Phúc Sa Môn.

Tổ thứ mười một: Thiền sư Chính Bỉnh, đời thứ 46 Tào Động. Ông pháp tự là Bình Bình, pháp hiệu là Vô Tướng. Lại có hiệu là Hòa Thái Sa Môn.

Tổ thứ mười hai: Thiền sư Tâm Nghĩa, đời thứ 47 Tào Động. Ông pháp tự là Nhân Từ.

Theo thiền sư Pháp Minh, tác giả bài bia Danh Thùy Bất Hủ ở chùa Hồng Phúc, thì chùa này đổ nát rất nhiều dưới thời vua Tự Đức và chính là các vị tổ sư thứ chín (Đạo Sinh) và thứ mười (Quang Lư) đã trùng tu lại và làm cho chùa trở thành một “danh lam thắng cảnh ở thành Thăng Long”.

Năm 1938, chùa Thiên Tích ở Hà Nội cho xuất bản một tờ nguyệt san lấy tên là Quan Âm Tạp Chí. Chủ bút của tờ này là sa môn Võ Chiêm Khôi, trú trì chùa Thiên Tích. Số đầu ra ngày 24.10.1938. Quan Âm Tạp Chí ra được đến tháng Hai năm 1943 thì đình bản, số chót là số 34. Tạp chí này không có gì là đặc sắc và ảnh hưởng không được bao trong Phật giới.

[1] Tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ được giải thưởng Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1925, tức là mười năm trước đó. Quả Dưa Đỏ đã được hoan nghênh nhiệt liệt và được nhiều tờ báo nhắc tới (Trung Bắc Tân Văn 20.2.1926, Đông Pháp Thời Báo 19.8.1927, v.v…).

[2] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển I, trang 189-190.

[3] Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême Orient (B.E.F.E.O) Hanoi, 1932, T. XXXII, fasc. 1, trang 191 – 268.

[4] Trần Trọng Kim: Phật Giáo Trong Ba Bài Diễn Thuyết, Tân Việt, Sài Gòn, 1950.

[7] Phật Giáo Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay, Tân Việt, Sài Gòn, 1953.

[8] Bùi Kỷ: Nghĩa chữ Không trong đạo Phật. Đăng lại trong Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, từ số 16 đến số 21, 1958.

[10] Đuốc Tuệ số 11 (25.2.1936).

[11] Đuốc Tuệ số 108 (15.5.1939).

[12] Trong thiền viện truyền thống, tăng sĩ thường tự túc bằng cách canh tác, bắt đầu từ nguyên tắc “bất tác bất thực” của thiền sư Bách Trượng.

[13] Chùa Trấn Quốc đầu tiên được dựng ở đời Lý Nam Đế (544 – 548) gọi là chùa Khai Quốc, tọa lạc tại bãi An Hoa giáp sông Hồng Hà. Năm 1615 bãi sông bị lỡ, chùa được dời tới làng Yên Phụ cạnh Hồ Tây, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa đời Lý (cũng là nền cũ điện Hàm Nguyên đời Trần). Theo bia “Trần Quốc Tự Bi Ký” của thiền sư Đạo Khang dựng năm 1639 thì trong năm đó chùa đã được trùng tu rất tráng lệ. “Quy mô lớn, sức lực nhiều, so với người trước, công đức gấp trăm lần”, đó là lời trong bia. Trong cuộc tấn công của vua Nguyễn Huệ ra Bắc, chùa bị binh lửa tàn phá. Thiền sư Khoan Nhân huy động trùng tu lại chùa vào năm 1813. Đến năm 1815 thì hoàn thành. Thiền sư Khoan Nhân, theo bia “Tái Tạo Trấn Bắc Tự Bi” là người huyện Thụy Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam, nay là tỉnh Thái Bình.

Năm 1844 vua Thiệu Trị đổi tên chùa là chùa Trấn Bắc nhưng dân chúng vẫn tiếp tục gọi là chùa Trấn Quốc. Chỉ có chữ Quốc trên bia bị đục bỏ để chữa thành chữ Bắc mà thôi.

[14] Tiếng Chuông Sớm số 2 (1.7.1935).

[15] Tiếng Chuông Sớm số 3 (15.7.1935).

[16] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 87.

[18] Có thể là Lê Thuần Tông (1732 – 1735).

[19] Ngự Chế Thiền Điển Thống Yếu Kế Đăng Lục.

[20] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 212.

[21] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 213.

[22] Năm 1830 vua Minh Mạng cấp giới đao và độ điệp cho 53 vị cao tăng trong nước sau khi bộ Lễ đã xét hạch học lực và đức hạnh của họ. Thiền sư Phúc Điền, chùa Liên Tông ở Bạch Mai, người san khắc Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục, cũng được ban giới đao và độ điệp vào năm này.

[23] Xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển II, trang 212.